Lên với “cổng trời” An Lão
Ðường xa gập ghềnh, núi thẳm rừng xanh không ngăn được bước chân của những người thích khám phá thiên nhiên tìm lên xã An Toàn - nơi có “cổng trời” của huyện An Lão.
Một năm qua, tôi lên An Toàn hơn 10 lần. Xếp ba lô với vài vật dụng, đón chuyến xe từ Quy Nhơn ra ngã 3 Xuân Phong (xã An Hòa, huyện An Lão), gọi cuốc xe thồ là lên thẳng An Toàn. Đi An Toàn, ruổi rong xe máy là thích nhất.
An Toàn, một chỗ riêng trong ký ức
Ngắm những cánh đồng lúa bậc thang lùi dần sau lưng, thấy núi trên cao, thấy sương luồn qua những tán rừng xanh… những lần đến với An Toàn của tôi đều bắt đầu như thế. Sắc màu của An Toàn là sắc màu của thiên nhiên. Tháng 4 - An Toàn tím những đồi hoa sim; tháng 6 An Toàn vàng những sóng lúa bậc thang… Và tháng Giêng là tháng mỗi thứ có một chút, chỉ có điều nó được trộn đều và pha loãng ra. Người bạn đồng nghiệp cùng đi tấm tắc, chỉ riêng chuyện được hít thở một bầu không khí trong lành, mát lạnh như thế này đã đáng để lên với An Toàn.
Nhắc đến An Toàn là nhắc đến những trải nghiệm thiên nhiên kỳ vĩ, nơi có dòng thác K50 nằm giữa 2 khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chưrăng (huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai) và Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn. Vẻ đẹp, sự kỳ vĩ của thác K50 đã biến thắng cảnh này thành tài sản quý của An Toàn và K’Bang.
Anh Trần Văn Bé - hướng dẫn viên du lịch quê ở xã An Hòa, huyện An Lão, người khởi xướng tour khám phá K50 cùng người dân bản địa (An Hòa - An Toàn – thác K50) với lịch trình 2 ngày 1 đêm, chia sẻ: Với tour K50 giá trị thu lại lớn nhất không phải chỉ ở chỗ được ngắm một thắng cảnh mà ngay dọc hành trình di chuyển mình đã có thể thu nhận rất nhiều từ cỏ hoa, cây lá, từ đồi núi, rừng già, những hình ảnh mà chỉ khi vào rừng nguyên sinh bạn mới có thể gặp được. Giá trị trải nghiệm của tour trekking là như thế.
Và, trong chuyến trekking K50, tôi đã qua hết những cung đường, chinh phục mọi địa hình của xã vùng cao An Toàn. Đó là cung đường băng qua dòng sông Mia, rồi ngắm đồi sim trải dài 300 ha của An Toàn. Trong cái nắng hưng hửng, thả lưng trên đám cỏ bằng, ngắm gió lùa những vạt sim. Trong mơ màng, tôi đã thấy mình đi giữa đồi hoa tím mộng mơ của những ngày tháng 4. Điều đó luôn nhắc tôi có những cái hẹn với mùa sim nở, mùa đi “ăn ong”, mùa sim chín, mùa hái dâu rừng… Nhiều vô kể những lần hẹn hò, mà đôi khi không vì những mùa sản vật của rừng tôi vẫn lên lịch về An Toàn - đơn giản vì tôi muốn về sống lại những điều giản đơn, để được sống và hòa mình vào thiên nhiên thôi.
Một đêm giữa núi rừng, bên dòng thác đang tuôn trào, những câu chuyện về rừng, giữ rừng, giữ mạch nguồn sự sống được nhóm lên trong lời kể của người bạn dẫn đường. Đốt lửa trại, thưởng thức món ngon, rồi ngủ trong những chiếc túi ngủ được chuẩn bị sẵn. Đón bình minh giữa đại ngàn chính là khoảnh khắc diệu kỳ sau 1 ngày trekking. Hít thở thật sâu, nhắm đôi mắt và thả hồn mình giữa thiên nhiên, cảm nhận từng giọt sương tan ra, bóng nắng lóe qua tầng lá rừng già. Bạn đang tận hưởng những điều tươi mát, trong lành nhất của thiên nhiên. Anh Bé nhắc tôi: “Nơi này không sóng điện thoại, không wifi, nhưng núi thẳm, rừng xanh An Toàn sẽ chiếm một chỗ riêng trong ký ức của bạn!”.
Lễ đổ rượu ghè của đồng bào Bana ở An Toàn.
Không gian Bana ở An Toàn
Mùa đổ rượu ghè ở An Toàn bắt đầu từ những ngày cuối tháng Chạp. Đổ rượu ghè ở đây giống như một bữa cơm tất niên của người miền xuôi. Gia chủ bày 1 ghè rượu, chuẩn bị một bữa cơm mời bà con đến đổ rượu. Người mời chuẩn bị một ghè rượu làm quà mừng gia chủ. Đổ rượu ghè bắt đầu từ giữa trưa, kết thúc đêm khuya, khi những ghè rượu đã vơi, khi men rượu đủ làm say lòng người. Rồi họ hát, rồi họ múa bên bếp lửa bập bùng. Nếu đến An Toàn trong tháng Giêng, giữa tiết trời se sắt lạnh của một nơi cao hơn mặt biển hơn 1.000 m, bạn và những người cùng đi vẫn có thể tự dựng cho mình một cuộc đổ rượu ghè.
Dắt tôi đi đổ rượu ghè với người dân trong làng, anh Đinh Văn Đang, Chủ tịch UBND xã An Toàn, tâm sự: “Nhà sàn, bếp lửa, cồng chiêng, rượu ghè… chính là một phần không thể thiếu của đời sống người dân nơi đây. Đồng bào Bana rất hiếu khách, ở An Toàn còn nhiều hơn một chút bởi bà con biết, cách trở thế mà lên tới đây tức là đã yêu mến xứ sở này”.
Homestay ở An Toàn
Nghe tôi hỏi về An Toàn, ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện An Lão, say sưa: Phát triển du lịch cộng đồng dựa trên yếu tố là tiềm năng sinh thái rừng, nếp sống, đặc trưng văn hóa của cộng đồng người Bana chính là cách để đánh thức du lịch ở An Toàn. Tôi tin chắc, hơn bất cứ lĩnh vực nào, du lịch sẽ là sinh kế bền vững để người dân nơi đây sống tốt, khi đó, chính họ là người chung tay gìn giữ, bảo vệ các giá trị đặc biệt của An Toàn. Sẽ không có chính sách nào “sống” được nếu không được người dân đồng thuận. Chúng tôi sẽ hỗ trợ đồng bào hết mức nhưng phải thấy rằng, trong việc phát triển du lịch ở An Toàn, chính đồng bào nơi đây mới là người quyết định, mới là chủ nhân của những mô hình du lịch hấp dẫn…
Hỗ trợ mà ông Nam chia sẻ đó là việc tạo điều kiện cho người dân ở An Toàn hình thành nên những dịch vụ lưu trú homestay; khôi phục và phát triển những sản phẩm đặc trưng của địa phương như chè tiến Vua, sim, cam xoàn; phát huy yếu tố văn hóa bằng việc khôi phục lại nghề truyền thống đan đát, lập đội cồng chiêng.
Trăn trở của ông Đinh Văn Đang, rằng An Toàn phát triển du lịch rất tốt, nhưng phải hài hòa giữ gìn bản sắc và phát triển kinh tế. Thế nên, chỉ khuyến khích du lịch cộng đồng, nơi đây sẽ không có những khối nhà cao bằng bê tông mà chỉ nên là những nếp nhà sàn thân thiện. Nơi đây không có những người giới thiệu vanh vách mà vô hồn về An Toàn cho du khách mà không có chất núi rừng của Bana trên non cao - An Toàn đẹp chỉ có thể sinh động qua lời kể của chính cư dân nơi này. Thế nên, phát triển du lịch người dân mừng, nhưng vẫn lo lắm. Phải làm sao để dân mình học cách phục vụ du lịch, phải làm sao để dân mình thuyết phục khách “thuận theo tự nhiên” khi về với An Toàn. Lo lắng là lẽ đương nhiên. Nhưng hãy cứ đắm say với thiên nhiên An Toàn để lên lịch về đây. Gần nhất là cuối tháng 3 này, khi ở An Toàn đã có thêm homestay.
Ngày đăng: 17/12/2021 - 16:36